Nhà mình mấy năm nay nghiện món mứt dừa non tạo hình dừa viên. Món mứt thơm tho, hấp dẫn bởi độ dẻo của dừa non với các màu sắc và hình dáng vô cùng bắt mắt là món mứt thực sự hấp dẫn chào đón Tết đến Xuân sang. Mới đầu chỉ là nhìn trên mạng có bạn chia sẻ hình ảnh, thích quá nên mình mày mò tìm hiểu, lọ mọ làm. Thất bại cũng ối lần nhưng mình không nản chí, quyết tìm ra cách khắc phục để sao mứt không bị khô xác, không bị chảy nước (hiện tượng thường gặp nhất của dừa non), không bị mất màu, …
Và nếu như trước đây, mỗi độ Tết về, gần tết là mình thường lọ mọ đêm hôm tranh thủ làm mứt vì ban ngày vẫn đi làm thì giờ đây, dịp Tết là cả nhà cùng xúm vào trợ giúp mình: bố chồng bổ dừa, mẹ chồng và mình thái dừa thành viên, tụi nhóc hỗ trợ khâu đóng gói, mang đi tặng họ hàng. Ai cùng mong ngóng được nhận quà Tết là món mứt này của nhà mình.
Mình xin chia sẻ cách làm Mứt dừa viên Lục sắc nhà mình như sau:

Bạn đang xem Mức dừa viên đón Tết đoàn viên

NGUYÊN LIỆU:
– Cùi dừa non: 02kg (không nên chọn dừa già quá hoặc bị xác, khô hoặc dừa non quá khi làm sẽ chảy nước nhiều, rất hao, khó làm);
– Đường: 1,1 kg ( nếu cho ít đường hơn thì mứt sẽ khó kết tinh đẹp)
-Vani dạng bột: 2 ống ( hoặc vani extra, cái này có thể cho vào để mứt thơm hơn hoặc không có cũng không sao);
– Chanh: 01 quả ;
– Lá cẩm tím: một nắm;
– Hoa đậu biếc tạo màu xanh dương: 03g;
– Chanh leo: 01 quả
– Dành dành: 01 quả (hoặc 1 thìa cà phê bột dành dành) tạo màu vàng;
– Củ dền (hoặc bột củ dền) tạo màu đỏ hoặc hồng: 01 củ dền hoặc 03 thìa cà phê bột củ dền;
– Bột trà xanh tạo màu xanh lá: 2 thìa cà phê
– Bột ca cao: 2 thìa cà phê;
– Cà phê đen hoà tan: 01 gói 2g (cái này có thể cho vào nếu thích vị cà phê và ca cao, nếu không thì chỉ cần bột ca cao là được);
– Sữa đặc: 01 vỉ nhỏ 40g;

CÁCH LÀM:
1/ Bước 1: Sơ chế dừa:
-Dừa rửa sạch, cắt miếng vuông cỡ hạt lựu (kích thuớc khoảng 1cm x 1 cm) ngâm vào chậu nước có vắt 1 quả chanh để cho dừa được trắng sau đó rửa thật nhiều lần (khoảng 7-8 lần) cho đến khi nước trong;
-Đun sôi một nồi nước, cho dừa vào đợi đến khi sôi lại thì để sôi tầm 5 phút, vớt ra chậu nước lạnh, rửa lại 2-3 lần nữa để làm sạch dầu dừa còn trong viên dừa.

2/ Bước 2: Chuẩn bị các màu:
– Lá cẩm tím: đun sôi với ít nước để phai ra màu tím, lọc lấy nước cốt;
– Hoa đậu biếc: hãm (ngâm) với 20ml nước sôi như ta pha trà khô, lọc lấy nước cốt
– Chanh leo: bổ đôi, lấy cả nước cốt và hạt;
– Dành dành hạt hoặc bột: ngâm với 20ml nước sôi, lọc lấy nước cốt
– Củ dền: xay lấy nước cốt đặc hoặc hoặc bột củ dền thì hoà tan với 20ml nước lọc
– Bột trà xanh tạo màu xanh lá: hoà tan với 20ml nước lọc nguội
– Bột ca cao: hoà tan với 20ml nước sôi
– Cà phê đen hoà tan: pha với 20ml nước sôi ;
– Sữa đặc: hoà tan với 20ml nước sôi;

3/ Bước 3: Ướp dừa
– Ướp dừa theo tỉ lệ: 1kg dừa với 550gr đường, 1 ống vani, sau đó ướp từ 6-8 giờ hoặc để qua đêm cho đường tan hết, càng ướp lâu viên mứt dừa ngấm đường vào trong nhiều sẽ không bị chảy nước về sau này.
– Chia dừa thành các phần tương ứng với số màu mình muốn nhuộm: 5 hay 6 hoặc 7 phần…. Cho 2/3 (để lại 1/3) lượng nước màu mỗi loại vào ngâm với dừa tầm 1-2h trước khi sên; Màu trắng thì để nguyên mang đi sên luôn.

4/ Bước 4: Sên dừa lần 1:
– Chuẩn bị một chảo chống dính đế dày thì càng tốt vì khi sên dừa tránh tình trạng dừa nhanh bị cháy hoặc ngả màu vàng không đẹp.
– Đổ dừa vào chảo, để lửa to,đến khi dừa bắt đầu sôi lăn tăn thì hạ nhỏ lửa đến khi dừa cạn khoảng 1/2 lượng nước thì bắc chảo xuống bếp để ngâm tiếp khoảng 1 giờ cho viên mứt ngấm đường hơn, tránh hiện tượng chảy nước sau này.
– Gối đầu sên tiếp các màu mứt khác.

5/ Bước 5: Sên mứt lần 2:
– Đối với mứt màu trắng: Cho chảo mứt lên bếp tiếp tục sên lửa vừa, gần cạn nước thì cho sữa đặc đã hoà tan , vặn bếp to cho sôi lại, sau đó hạ nhỏ lửa,, Không nên cho sữa đặc sớm quá tránh hiện tượng mứt bị vàng. Đến khi đảo bắt đầu thấy hơi nặng tay,thấy đường bắt đầu có hiện tượng kết tinh cho nhỏ lửa hơn nữa và đảo liên tục. Sau đó nhấc chảo ra, đảo liên tục cho dừa kết tinh và bông trắng lên (có thể bật quạt chĩa thẳng vào chảo mứt lúc này để đảo cho dừa nhanh bông trắng, chóng khô); -Đổ mứt dừa ra một cái mâm bên dưới lót giấy loại giấy hút ẩm, đảo đều cho mứt nguội.
– Đối với các màu khác: Sên mứt đến khi gần cạn nước, bắt đầu thấy nặng tay thì cho nốt 1/3 lượng nước màu mỗi loại tương ứng vào, tiếp tục cách đảo mứt như cách làm mứt màu trắng vừa nêu trên.

6/ Lưu ý:
-Đường kết tinh mà bám vào mứt nhiều quá cũng gây ra hiện tượng chảy nước nên làm xong phải đảo mứt (hoặc có thể đeo găng tay đảo trộn mứt) nhẹ nhàng cho đường rơi bớt ra ;
– Không nên sên mứt lâu quá sẽ làm khô mứt, khi ăn miếng mứt sẽ bị cứng.
– Nếu mứt không kết tinh được do thiếu đường thì đổ thêm đường vào sên tiếp.
– Nếu đường cứ keo lại, sên mãi không kết tinh thì mang đi rửa hết phần đường đó, cân lại dừa và ướp lại đường và sên lại với các bước đã nêu. Trường hợp này hay gặp khi bạn ướp các loại quả chua vào dừa làm mứt như chanh leo, dâu, atiso.
– Các loại quả chua tạo màu như atiso (tạo màu đỏ), chanh leo (tạo màu vàng và vị rất thơm) cho thật ít vì nếu không mứt sẽ không kết tinh được.

7/ Bảo quản:
Để mứt thật nguội, sau đó cho vào hũ kín có nắp hoặc túi zip kín miệng, bảo quản nơi khô thoáng.

8/ Chia sẻ thêm về việc tận dụng, tái chế các chế phẩm từ quả dừa:
Dừa nhà mình thường mua nguyên quả, sau khi bổ dừa thì vỏ dừa được chẻ nhỏ, phơi khô, phần vỏ ngoài cùng cứng nhất sẽ đốt thành tro bón cây còn phần vỏ tiếp theo bên dưới lớp vỏ xanh sẽ băm nhỏ thành xơ dừa bón cây.
Ngoài ra, những phần rìa, vụn còn lại của cùi dừa sau khi cắt viên, mình cũng tận dụng hết bằng cách xay nhỏ lọc nước cốt làm cốt dừa cho vào các món chè, bánh. Bã dừa lọc ra cũng dùng ủ cùng rác thải hữu cơ của nhà để bón cây cực tốt vì rất nhiều chất.
Hy vọng những chia sẻ của mình giúp ích cho ai đó cần. Chúc mọi người đón Tết vui vẻ và thử làm mứt dừa viên với mình nhé.

Xem tiếp: Kinh nghiệm xử lý lỗi thường gặp phải khi làm Kẹo Nougut – kẹo hạnh phúc

012022
1642559699 578 012022
1642559699 922 012022
1642559699 631 012022

Các bài viết được lấy từ YÊU BẾP✅ (Esheep Kitchen family)