” Tại sao mẹ lại buồn thế này? Tại sao mẹ lại muốn rời xa thế giới này? Mẹ xin lỗi con…nếu một ngày nào đó mẹ bỏ con ở lại…”. Những dòng nhật kí này tôi đã viết khi sinh em bé đầu lòng được một tháng.
Lúc đấy tôi vẫn chưa biết bản thân bị mắc chứng trầm cảm sau sinh. Tôi chỉ nghĩ rằng sinh con đầu lòng với bao bỡ ngỡ, một mình xoay sở nên mệt quá mà thành nghĩ quẩn…
Tôi không biết những bà mẹ khác sẽ làm thế nào nếu là tôi lúc ấy? Mổ sinh con và bị băng huyết. Tôi đã thấy mình nằm trên băng ca bị đẩy đi trong một đường hầm hun hút tối, cuối đường hầm là một vầng sáng lung linh. Bà nội tôi đứng ở đó nhìn tôi và khóc. Tiếng trẻ con khóc ré lên đã làm tôi giật mình…mở mắt ra thấy quanh mình là bóng áo trắng. Bác sĩ nhìn tôi, nét mặt giãn ra, vui sướng: tỉnh rồi!
Bác sĩ buồn cười lắm nhé. Khi tôi thấy mình lạnh run lên, tôi đòi cho gặp người nhà, họ bảo cứ yên tâm, có họ ở đây rồi! Mạch của tôi họ không bắt được nữa, tôi thấy họ gọi người tăng cường, tiêm thuốc trợ tim cho tôi…Trước khi lịm đi tai còn nghe thấy bác sĩ nào đấy hô to ” chuẩn bị truyền máu…” và ánh mắt của chị y tá nhìn tôi tha thiết, chị tát rất đau vào mặt tôi, gào lên: đừng ngủ…đừng ngủ! Anh ơi…dậy nhìn con em này!!!
Chị y tá đấy là người chăm sóc tôi sau sinh. Chị đã phát hiện ra tôi bị băng huyết ngầm ( nghĩa là máu chảy không cầm được và bị đọng lại trong ổ bụng do bị đờ tử cung ).

Bạn đang xem: Phụ nữ hãy yêu bản thân mình dù trong hoàn cảnh nào trong cuộc sống

Người nhà bên ngoài không hề biết tôi đã một mình đi qua cửa tử như thế nào…
Ôm con về nhà với một thể trạng bấy bớt. Ai đến thăm cũng bảo sao con bé này xanh thế? Chịu khó ăn vào nhé!
Con tôi khóc dạ đề. Xã lại đi làm xa. Sáng đi từ 5h, tối 6h về. Không muốn để xã bị mệt, tôi một mình ôm con xuyên đêm. Lấy cái chăn bông to đặt sát tường, nửa nằm, nửa ngồi bế con. Lắm hôm còn bị dị ứng ngứa khắp người, đặt con xuống thì nó khóc. Lại phải bế con rã tay, người thì ngứa ngáy không gãi được. Vừa ôm con vừa khóc…
Tình cờ một ngày, chị cùng làm đến chơi, mang cho tôi một quyển tạp chí. Khi đọc một bài tôi mới biết trạng thái u uẩn, buồn bã của mình là triệu chứng trầm cảm sau sinh. Tôi nghĩ trong đầu ôi không ổn rồi! Mình phải cứu mình thôi…!
Tôi ôm con về ngoại. Chấp nhận ăn những món ăn đểnh đoảng của mẹ nấu. Chấp nhận nhìn cảnh nhà cửa bề bộn, thiếu ngăn nắp để hàng đêm có bà hỗ trợ bế con chạy từ tầng ba xuống tầng một ru cháu ngủ. Vậy là đêm tôi được ngủ gần như trọn giấc. Tinh thần phấn chấn trở lại.
Ba năm sau, sinh bé thứ hai. Tôi bị trầm cảm còn nặng hơn lần đầu. Tôi nói với xã rằng: em bị trầm cảm rồi! Xã nhìn tôi như cô bé Maica từ trên trời rơi xuống. Trầm cái gì mà trầm? Có hẳn một người giúp việc kia thây? Việc nhà có phải nhúng tay đâu? Con lớn bà giúp việc đảm ngang mẹ nó chăm chút, đón đưa rồi…Rảnh quá hóa rồ à? Tôi tự làm đau chính mình mỗi lần “lên cơn”. Thằng lớn nhà tôi vài lần nhìn thấy. Nó rất sợ. Lúc bình tĩnh lại rồi tôi cố tự nhủ phải thật kiềm chế, thật kiềm chế…
Tôi tìm gặp bác sĩ tâm lý. Đến bệnh viện tâm thần xin thăm khám và phải uống thuốc điều trị trầm cảm kép ba vòng.
Đồng nghiệp. Bạn bè và người thân không một ai biết tôi đã phải một mình lấy lại cân bằng cho mình như thế nào. Tôi lập ra một list những việc yêu thích. Không cầu toàn nữa dẫu trước đây tôi là một người lau mặt bàn xong còn phải nghiêng người nhìn xem còn bụi không. Nhà bẩn chút không sao. Con ăn nôn trớ bữa này, không cần ép ăn lại, đói một bữa, bữa sau ăn bù. Tôi đan len rèn tĩnh tâm khi đã rảnh. Mua hoa về cắm. Mua cây về trồng. Đi spa thư giãn vào buổi trưa, vừa thư giãn vừa ngủ. Tan làm, trước giờ phải đón con tôi ra quán cafe ngồi, vừa ngắm phố vừa viết bài gửi báo. Bạn bè tôi chúng nó chả bảo lạy tôi đấy, một nách hai đứa con mà vẫn có quá nhiều thời gian cho riêng mình.
Ôi cái bọn tóc bên cụp bên xòe, áo quần đẹp không dám mua vì mãi không giảm được cân làm sao biết tôi đã phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm sau sinh như nào chứ?
Thế nên tôi cực kì trân quý bản thân mình. Tôi phải khỏe mạnh, phải vui vẻ thì mới làm được những việc tôi yêu thích, mới chăm sóc gia đình, con cái có phải không nào?
Tôi đã mất 5 năm để dò dẫm, điều trị và đưa mình thoát ra khỏi căn bệnh trầm cảm. Thế nên tôi bây giờ nếu có gặp chuyện gì buồn thì có thể khóc nhè một lúc, có thể suy nghĩ một đêm…nhưng sẽ là nghĩ cách giải quyết và luôn chấp nhận tình huống xấu nhất xẩy ra, đối mặt với nó rồi mới đến các tình huống rồ man tíc khi gặp một vấn đề to lớn. Còn lại tất cả mọi việc với tôi đều là cánh buồm đỏ thắm.
Mọi người bảo tôi tràn đầy năng lượng tốt. Không phải đâu, tôi bị tăng động do uống thuốc trầm cảm quá liều thì có. Xong lại mắc bệnh yêu bản thân quá mức. Hai thứ đấy cộng lại làm nên tôi bây giờ.
Mỗi sáng thức giấc hãy nghe một bản nhạc. Tự pha chế cho mình một ly cafe. Xuống bếp nấu ăn sáng rồi đi làm. Bỏ mọi dèm pha, không tìm hiểu những chuyện không liên quan đến mình. Tuần một lần đi spa, ngày dành ra 15 phút chat chit với bạn bè, rảnh hơn thì trốn đi cafe, lên cơn hâm thì ra vườn chụp hoa giữa trưa nắng. Rồi vào bếp nấu nướng, vừa nấu vừa nhẩy nhót, hát ca. Tối đến lớp tập ca muộn nhất, về nhà lúc hơn 10h đêm ngồi vào bàn vẽ mẫu…vài hôm sau là có áo có váy xúng xính đi chụp choẹt, vui cười phớ lớ…
Bạn thấy tôi có giống một người bình thường không?

Xem tiếp: Các phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho bé giúp cung cấp dinh dưỡng và tăng cường hệ miễn dịch

TOI DA YEU BAN THAN MINH NHU THE NAY DAY
1648621555 708 TOI DA YEU BAN THAN MINH NHU THE NAY DAY
1648621556 229 TOI DA YEU BAN THAN MINH NHU THE NAY DAY
1648621556 586 TOI DA YEU BAN THAN MINH NHU THE NAY DAY
1648621556 198 TOI DA YEU BAN THAN MINH NHU THE NAY DAY
Bài viết được tổng hợp từ group YÊU BẾP✅ (Esheep Kitchen family)