Xin chào cộng đồng Yêu Bếp, mình xin được kể câu chuyện của chính mình – một người mẹ trẻ người dân tộc Mông với ước mơ mang sản vật và văn hóa của mình tới miền xuôi.

Mình tên là Mua, thuộc dòng họ Mùa (Ma, Má, Mã), là người Mông. Quê gốc mình ở Sapa, Lào Cai nhưng sinh ra và lớn lên ở biên giới Việt Lào thuộc xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Hiện giờ, mình đang làm quản lý điều hành chung dự án “Ná Nả: Mùa gì mua nấy” – một dự án thỏa ước mơ của mình: mang sản vật và văn hóa Mông tới miền xuôi, thị trường nội địa Việt Nam. Đồng thời, tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế bền vững tại quê mình. Đặc biệt là phụ nữ người Mông – những người không có nhiều vốn liếm xã hội và không có nhiều cơ hội phát triển bản thân, bao gồm cả thu nhập.

Ước mơ của mình được ươm mầm từ khi mình được nghe chia sẻ của các anh chị về làm nông nghiệp sạch và bền vững ở diễn đàn “Thanh niên và Phát triển Bền vững” do Thế Hệ Xanh và Live&Learn Vietnam tổ chức vào mùa hè năm 2019. Là một người con của nông nghiệp, gia đình mình hoàn toàn làm nông nuôi mình đi học, lúc đó mình đang là sinh viên năm 3 ở Học viện Phụ Nữ Việt Nam. Từ những câu chuyện đầy cảm hứng nghe được ở diễn đàn này làm mình nảy ra ý tưởng muốn làm gì đó cho quê hương của mình từ những thứ có sẵn của địa phương.

Bạn đang xem Ước mơ mang sản vật và văn hóa người mông đến miền xuôi

Nhưng từ suy nghĩ trong đầu mà đẩy ra hành động thì không dễ dàng lắm. Dù vậy, đôi khi một điều gì đó xảy ra thì như đó là những cái duyên kéo tới. Mình vẫn nhớ như in mùa hè năm đó, mình còn trọ trong một căn phòng hơn 10m2 ở khu ổ chuột trên ngõ sâu thuộc phố Cổ Nhuế, cứ mỗi khi mưa về là nước tràn vào nhà lênh láng trong nhà. Khi đó, người yêu mình thì đang ở nhờ nhà bạn ở khu Ngã Tư Sở và đang cùng các đồng sự tổ chức một trại hè phi lợi nhuận cho các em học sinh người Mông trên núi xuống phố trải nghiệm. Dự án đó được gọi là Vườn Mơ. Trong ngày vừa kết thúc dự án Vườn Mơ, hai đứa ngồi trên chiếc xe máy cũ gom tiền mua chung đi dạo phố cho giảm căng thẳng. Mình nhớ rất rõ, khi đó hai đứa đang chạy xe qua đường Nguyễn Chí Công. Bất chợt, câu chuyện kéo về những sự vất vả, thiếu thốn về vật chất của cả hai đứa chúng mình, của gia đình chúng mình, của gia đình mấy đứa bé học sinh vừa tham gia trại hè Vườn Mơ. Hai đứa khi đó đã quyết tâm phải làm gì đó. Mình nói muốn làm gì đó từ những thứ có sẵn mà mang tính địa phương, mang đậm văn hóa người Mông, mà bố mẹ mình hay làm. Thế là chúng mình bắt đầu đăng lên Facebook cá nhân mời bạn bè mua mận trong vườn của bố mẹ mình ở tận Nậm Pồ. Khi gom được đủ cho một chuyến vận chuyển, chúng mình sẽ gửi mận xuống. Khi đó, người yêu mình sẽ đi xe máy ra bến xe Mỹ Đình chở về, mình ngồi lọc quả, đóng túi, còn người yêu chạy đi giao hàng khắp nội thành. Có lúc phải đi giao hàng muộn, không yên tâm cho anh đi một mình, mình đi cùng, hai đứa vừa đi giao hàng, vừa đi chơi cùng nhau. Kiếm được từng đồng tiền lẻ mà mừng khôn sao tả xiết. Dù trước đó, mình từng đi làm phụ hàng phở, khuấy cháo, nói chung là làm thêm khắp nơi, cũng tự kiếm được tiền nuôi thân. Nhưng mấy đồng bán mận này với mình có một ý nghĩa rất khác. Một cảm xúc rất khác. Vì, lúc đó không chỉ mình kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ những sản vật quê hương mình, mà cũng tạo được chút thu nhập cho bố mẹ mình, cho em trai mình – người giúp đi gửi mận từ trên quê xuống.

Tuy mận của chúng mình nhanh chóng nhận được sự chào đón nồng nhiệt của bạn bè, đặc biệt là các anh chị em bạn bè người miền xuôi vì độ thuận nhiên của sản phẩm. Nhưng, chúng mình cũng gặp rất nhiều khó khăn, những khó khăn mà bất cứ một ai khởi nghiệp hẳn cũng gặp phải thôi. Lúc đó, trong tay hai đứa mình đều chẳng có đồng tiền nào, chỗ ở thì chật chội, vận chuyển vào thì khó khăn vì ở ngõ sâu, hẹp. Chưa kể mình còn đang là sinh viên ngành luật, không có chút kiến thức gì về kinh doanh, về thị hiếu, thị trường. Nhưng thật là may mắn vì mình luôn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của bạn bè, anh chị đi trước.

Ngay từ những ngày đầu, mình xác định rất rõ, dù mình không giỏi giang gì nhưng những sản phẩm mình kinh doanh cũng phải mang lại lợi ích bền vững cho những bên liên quan. Đầu tiên, những người dân tộc thiểu số, những người nông dân tạo ra sản phẩm phải được hưởng lợi tối đa có thể. Tiếp đến, những người khách hàng phải được sử dụng sản phẩm ở mức thuần khiết nhất có thể. Và với mong muốn giúp những người mẹ, những người phụ nữ Mông có công việc tạo thu nhập ổn định tại chỗ, mình và người yêu quyết định lấy tên dự án khởi nghiệp của chúng mình là Ná Nả. Đó là phiên âm chữ ‘Nav Nam’, nghĩa là “mẹ ơi, mẹ” trong tiếng Mông của chúng mình.

Đến hiện tại, sau gần 3 năm khởi sự kinh doanh từ những sản vật của những người mẹ người Mông, mình đã có một hệ sinh thái nho nhỏ cùng những thành quả ban đầu. Chúng mình có một mô hình kinh tế sinh thái bền vững với sản phẩm gà xương đen tầm thuốc truyền thống của người Mông ở Mù Cang Chải được đón nhận tương đối tốt. Chúng mình có tạo ra được thu nhập tạm ổn không chỉ cho bản thân, mà cho hơn chục hộ gia đình người Mông ở địa phương. Điều này là động lực lớn nhất để cá nhân mình làm việc, dù còn rất nhiều khó khăn.

Trong tương lai, nếu mọi thứ lý tưởng, mình rất mong muốn có thể mở một cửa hàng đồ ăn đặc truyền thống người Mông, được vận hành bởi những người Mông ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội. Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn giờ nhìn lại, với tư cách là một người phụ nữ, đặc biệt là người phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, mình thấy vừa có nhiều thuận lợi vừa kèm theo nhiều khó khăn khi khởi nghiệp.

Vì dự án của mình tương đối vì xã hội nên rất được đón nhận và cũng dễ được tài trợ bởi các quỹ xã hội từ các tổ chức phi chính phủ, cũng rất được các anh chị đi trước nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ. Nhưng ngược lại, xuất thân trong một nền văn hóa không có nhiều ý niệm về làm kinh doanh, mình gần như không nhận được nhiều sự chia sẻ từ gia đình, bởi mọi người không hiểu gì nhiều về việc mình đang làm. Mình cũng không có được những kinh nghiệm từ những người phụ nữ Mông đi trước, bởi gần như là không có. Và do mình lựa chọn làm việc với những người phụ nữ Mông – những người chỉ quen làm nông tự cung tự cấp – đôi khi, không có nhân sự để cùng làm luôn.

Dù vậy, như tiếng Việt có câu ngạn ngữ “phi thương bất phú”, mình tin rằng người Mông hay bất cứ nền văn hóa nào muốn phát triển xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa thì đều cần học những kinh nghiệm, kỹ năng, nghề nghiệp mới bên cạnh việc làm nông truyền thống. Do đó, mình rất muốn chia sẻ câu chuyện cá nhân để có thể truyền động lực nho nhỏ cho các bạn phụ nữ trẻ người dân tộc thiểu số khác có thể mạnh dạn theo đuổi ước mơ. Đồng thời, mình cũng mong có thể tìm bạn đồng hành, cùng giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trên con đường đưa các sản vật địa phương tới công chúng.

Từ những kinh nghiệm nho nhỏ của mình, để làm khởi nghiệp chính ra khó thì rất khó, nhưng nói dễ thì cũng dễ. Chỉ cần mình không ngừng học hỏi và khi đã bắt đầu đừng dễ dàng bỏ cuộc. Cứ kiên nhẫn, làm tốt từng việc nhỏ một, từng bước một; rồi những thành công sẽ đến với người có tâm, có kiên nhẫn. Một hai năm vất vả ban đầu rồi mọi thứ sẽ dần tốt lên.

Xem tiếp: Hành trình tìm kiếm Ikigai và theo đuổi những món đồ thủ công

TuBepNhoDenUocMoTo CO GAI NGUOI MONG VOI UOC MO MANG SAN
1651125919 396 TuBepNhoDenUocMoTo CO GAI NGUOI MONG VOI UOC MO MANG SAN
1651125919 193 TuBepNhoDenUocMoTo CO GAI NGUOI MONG VOI UOC MO MANG SAN
1651125920 778 TuBepNhoDenUocMoTo CO GAI NGUOI MONG VOI UOC MO MANG SAN
1651125920 52 TuBepNhoDenUocMoTo CO GAI NGUOI MONG VOI UOC MO MANG SAN
Bài viết được tổng hợp từ group YÊU BẾP✅ (Esheep Kitchen family)