Nấu chè bưởi dễ mà khó, dễ ở chỗ nấu thì nấu được nhưng khó ở chỗ làm sao để cùi bưởi giòn mà không dai, không đắng, chè bưởi để tủ lạnh không bị vữa, không chảy nước và làm sao để cốt dừa thơm béo như hàng thì mình sẽ tổng hợp tất cả các lỗi trong chè bưởi cho các bạn ở đây để các bạn có được món chè bưởi bất bại và cách nấu nước cốt dừa béo ngậy.
1. Cách làm cùi bưởi trong, giòn
2. Cách làm cùi bưởi căng tròn
3. Hấp đỗ xanh để nấu chè bưởi ngon nhất
4. Nấu nước cốt dừa cho món chè bưởi
5. Cách nấu chè bưởi tuyệt ngon
Em tặng mọi người thêm công thức làm chè bưởi cốm màu xanh xanh kia để mix vào chén chè cho bắt mắt hơn nhe ạ
Cách làm chè bưởi cốm non ngon như hàng.
– Cũng giống như nấu chè bưởi bình thường, mình cần chọn được bưởi ngon dày cùi. Bưởi Năm Roi, bưởi da xanh là ngon nhất nhưng bưởi nào cũng làm được miễn là bưởi không quá già, còn tươi chứ không để bưởi héo thì cùi sẽ khô, nhiều xơ; còn non thì cùi đắng vì nhiều tinh dầu.
– Sau khi gọt lớp vỏ xanh bên ngoài, chọn phần cùi liền vỏ, loại bỏ phần xơ liền trong ruột đi để khi mình sơ chế cùi sẽ không bị dai, nhưng mình cũng sẽ không lấy sát vỏ quá sẽ bị đắng. Thế nên gọt cùi, mình sẽ cần loại bỏ hết lớp vỏ xanh bên ngoài để không bị dính vào cùi trắng đồng thời tách bỏ lớp dính liền ruột đi, giữ lại phần cùi xốp nhất.
– Thái cùi bưởi không to quá, thái hạt lựu để khi áo bột sẽ vừa.
– Đường để nấu chè cốm bưởi không giống như chè bưởi thường mà dùng đường phèn trắng và đường cát trắng.
– Tuyệt đối không nếm chè vào muôi khuấy khi đã thêm bột năng nếu không chè sẽ bị vữa khi bỏ tủ lạnh.
– Cốm để nấu chè bưởi cốm non theo mình nên dùng cốm Mễ Trì hoặc cốm làng Vòng có độ mềm, ngọt thanh và hạt cốm dẻo, thơm. Mình đã thử cốm Tú Lệ nhưng về mùi thơm, độ dẻo, ngọt không được như cốm Mễ Trì. Sau khi nấu, cốm Tú Lệ để lại vị chua trong chè dù cốm mới và để sang hôm sau cốm rất cứng.
– Cùi bưởi trong chè bưởi cốm non không giống chè bưởi thường, nó có độ trong hơn và ít bột áo hơn.
1. Cách làm cùi bưởi trong, giòn:
– 1 quả bưởi to tách lấy cùi khoảng 200g.
– 100g muối.
– 200g bột năng.
– 100g bột sắn dây hoa bưởi.
Cách làm: – Cùi bưởi thái hạt lựu cho vào 1 bát đựng to, cho 100g muối, 1 thìa cơm bột năng vào bóp đều sau đó đổ nước ngập cùi, đè 1 vật nặng lên cho cùi không bị nổi lên trên, để ngăn mát tủ lạnh 2 tiếng.
– Vớt cùi bưởi ra rổ, xả nước, vắt và xả khoảng 5 lần cho đến khi sạch. Bắc 1 nồi nước to, cho vào 1 thìa cơm đường phèn, 1 thìa cơm bột năng, 1 thìa cà phê muối, khuấy tan hết rồi cho cùi bưởi vào, bật bếp, luộc cho đến khi nước sôi lăn tăn thì tắt đi, vớt cùi bưởi ra xả tiếp dưới vòi, xả sạch mặn và vắt thật kiệt nước, lặp lại 3 lần.
– Hoà 100g bột sắn dây hoa bưởi với 200ml nước, 1 giọt tinh dầu lá nếp hoặc syrup sâm dứa để tạo màu xanh cho cùi bưởi, cho cùi bưởi vào ngâm cho cùi bưởi hút no nước. Tiếp đó trộn 100g bột năng vào bóp cho bột bọc đều cùi và không bị dính.
– Bắc nồi nước, đun sôi, cho cùi bưởi vào luộc. Khi cùi bưởi trong nổi lên vớt ra thả vào trong âu nước đá ngâm 10 phút để cùi bưởi trong và giòn. Vớt cùi bưởi ra rổ cho ráo nước. Như vậy là xử lý xong cùi bưởi.
2. Cách nấu chè bưởi cốm non:
– 200g cùi bưởi đã xử lý.
– 150g cốm khô (tăng thêm nếu muốn ăn nhiều cốm).
– 1,5 lít nước.
– 1 bó lá nếp.
– 350g đường phèn trắng.
– 1/2 thìa cà phê muối.
– 1 thìa cà phê hương lá nếp tạo màu xanh.
– 50g bột năng.
– 20g bột sắn dây hương bưởi.
Cách làm: – Cốm khô ngâm nước ấm 15 phút cho nở, vắt kiệt.
– Bắc một nồi dày, cho 1,5 lít nước vào hoà cùng đường phèn, muối + bó lá nếp đun sôi cho tan hết đường. Vớt bỏ lá dứa. Hoà 50g bột năng và 20g bột sắn dây với chút nước, cho từ từ vào nồi nước đường, căn chỉnh độ đặc theo ý muốn rồi khuấy nhẹ 1 chiều, đun liu riu khoảng 15-20 phút cho bột chín thì cho cốm vào khuấy nhẹ tay, thêm vào 1 thìa cà phê hương lá dứa, đun 5 phút với lửa thật nhỏ, thêm cùi bưởi, đun tiếp 5 phút nữa, chú ý khuấy 1 chiều để không bị dính đáy, sau đó tắt bếp.
– Nên sử dụng nồi đế thật dày để nấu chè, như mình dùng nồi đất siêu dày thì nấu chè không bị bén đáy, không khiến chè khét.
– Tuyệt đối không nếm thử vào đũa/ muôi dùng để khuấy chè. Dùng muôi và hộp đựng sạch, khô để múc chè thì chè sẽ bảo quản được lâu, không bị vữa.
3. Cách nấu nước cốt dừa:
– 200ml cốt dừa đóng lon, dùng loại cream thay vì dạng milk thì cốt dừa sẽ béo hơn.
– 10g bột sữa béo.
– 30ml whipping cream.
– 30ml sữa đặc.
– 20g đường.
– 5g bột năng, 5g bột gạo pha với 1 chén con nước.
– 1 thìa cà phê muối.
– Khuấy tất cả cho tan đều rồi lọc qua rây để nước cốt dừa không bị vón cục. Sau đó đun cho đến khi cốt dừa sánh lại thì tắt bếp.
Chúc mọi người thành công nhé .
Nguồn : Hoa Quỳnh Nguyễn – Group Yêu Bếp