Một ngày thật đẹp nên mình có nhiều cảm hứng để lan tỏa đến Yêu Bếp vẻ đẹp của những đóa hoa Poppy (hoa anh túc), kinh nghiệm cắm hoa anh túc cùng những câu chuyện về loài hoa tuyệt đẹp này nhá.
Những ngày hè ở Châu Âu, từ tháng 5 đến tháng 7, ngập tràn những cánh đồng, những vạt ruộng nở đầy hoa túc mọc dại lốm đốm đỏ rồi loang dần thành những vệt đỏ rực rỡ phấp phới những cánh mong manh, xen kẽ cùng cúc La Mã và thanh cúc, cùng nhiều hoa dại khác. Đó là những khoảnh khắc tuyệt đẹp mình không bao giờ quên.
Còn ngày mới lớn, như bao “bọn con gái trẻ” lúc bấy giờ, mình cũng đã từng yêu thích mùi nước hoa Kenzo, phải có-cho-mình một chai nước hoa Kenzo mùi hoa poppy, thân chai được cách điệu dáng cành & có hình bông poppy kiều diễm.
Thú vị thật, cứ tưởng mãi mãi chỉ được ngắm hoa này khi đi du lịch thôi. Ai ngờ, nhờ Yêu Bếp mà mình mới biết hoa này đã bán tại Việt Nam và học được bao nhiêu kinh nghiệm cắm poppy siêu đẹp từ các anh chị em YBer. Quả thật cơn sốt hoa poppy từ Yêu Bếp chưa hề hạ nhiệt dù mình không biết đã hết mùa chưa ha ha. Cảm ơn chị Trần Thị Định, bạn Hà Lê và các YBer khác đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm cắm hoa poppy sao cho đẹp, cho bền, đặc biệt la mẹo tách nụ hoa khi trời quá lạnh nên hoa nhà mình siêu bền và nở rực rỡ suốt hơn chục ngày lạnh vừa qua.
Trong bài thơ Trên cánh đồng Flanders (In Flanders Fields) của nhà thơ John McCrae viết trong Thế chiến I, ông đã viết về những đóa anh túc đỏ nở rộ như máu loang trên những ngôi mộ mới đắp của những chiến sĩ mới ngã xuống. Vì vậy, ở các nước nói tiếng Anh và Khối Thịnh vượng chung Anh (British Commonwealth), loài hoa này trở thành biểu tượng để tưởng nhớ các chiến sĩ trận vong (những người lính hi sinh tại chiến trường).
Bạn đang xem Chuyện về loài hoa Anh Túc
Vì vậy loài hoa này còn được gọi là Hoa Anh Túc Tưởng Niệm (Remembrance Poppy), gọi tắt là poppy. Thế giới có ngày kỉ niệm mang tên và biểu tượng hoa này, là ngày Poppy Day (Ngày đình chiến/ ngày hoa anh túc). Thật thú vị khi ngày này lại trùng luôn sinh nhật mình, ngày 11/11.
Còn ở Úc và New Zealand, hoa anh túc cũng được dùng tưởng nhớ vào Ngày Anzac cùng bánh quy Anzac. Mình đã hướng dẫn cách làm loại bánh quy yến mạch tuyệt ngon này trong cuốn sách nấu ăn & phiêu lưu cho trẻ em “80 ngày ăn khăp thế giới” của mình đấy. Khi ấy, Mĩm Cừu đã du lịch tới New Zealand và làm bánh này nè. Bạn nào làm thử chưa? Khoe Yêu Bếp nhé.
Ở các nước ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, người ta gọi hoa này với cái tên “hoa Ngu mĩ nhân” là bởi xuất phát từ câu chuyện lưu truyền trong dân gian Trung Quốc. Hoa được gọi theo tên cua đại mĩ nữ Ngu Cơ, người thiếp yêu của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ. Năm 202 trước Công nguyên, khi Hạng Vũ bị bao vây trong Trận Cai Hạ bởi lực lượng của Lưu Bang (người sáng lập ra nhà Hán), Ngu Cơ đã tự sát. Nơi nàng Ngu Cơ ngã xuống, đã có một loài hoa đỏ tựa máu đào loang ra trên đất. Từ đó loài hoa này được gọi la hoa “Ngu mĩ nhân” và trở thành biểu tượng của lòng trung thành cho đến chết.
Tuy nhiên, trong nhiều nền văn hóa khác, đặc biệt là Trung Đông, thì loài hoa này là biểu tượng của tình yêu bất diệt, trọn vẹn vẻ đẹp tình yêu. Bạn có biết vì sao không? Hãy đọc tiếp trong chú thích ảnh nhá.
Còn mình, cái tên mình thích nhất chính là “hoa hồng anh”. Vì mình có rất nhiều bạn bè mình yêu quý tên là “Hồng Anh”. Ha ha, tag người bạn quen vào đây nhé. Đây là tên loài hoa tuyệt đẹp, và là tên để mô tả một sắc thái màu tuyệt đẹp trong tiếng Pháp: Coquelicot.
Mình biết đến từ vựng này trong hội họa vì mình là một họa sĩ. Đây là sắc đỏ cam tuyệt đẹp và lộng lẫy của dải màu từ đỏ hồng sang vàng cam, nó là từ mô tả màu sắc đặc trưng của loài hoa này, của màu này luôn: Le Coquelicot – Hồng Anh!
Ai yêu hội họa, chắc hẳn đều sẽ biết đến tác phẩm nổi tiếng “Coquelicots, la promenade” (Lối đi dạo giữa đồng anh túc) của danh họa người Pháp Claude Monet.
Hay danh họa người Hà Lan Van Gogh với nguồn cảm hứng bất tận từ vẻ đẹp của hoa này với các tác phẩm “Vase avec marguerites et coquelicots” (Bình hoa anh túc) mà thực chất ông đã vẻ đủ 3 biểu tượng trên cánh đồng hoa mùa hè: hoa anh túc, hoa cúc la mã và thanh cúc. Hay ở bức “Champs de coquelicots” (Cánh đồng anh túc) của ông.
Mình xin được chia sẻ một số hình ảnh các bức họa này ở cuối bài để Yêu Bếp cùng chiêm ngưỡng nhé.
Ở một chiều không gian khác của thị giác. Nghệ thuật thứ 8 – Anime – nghệ thuật hoạt hình Nhật Bản sẽ đưa bạn tới chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt diệu của loài hoa này cũng những ẩn dụ đắt giá về chiến tranh, xa cách, tình yêu, niềm tin, sự chờ đợi và trên hết là tình người qua bộ phim “Phía bên kia ngọn đồi hoa hồng anh” (コクリコ坂から/ From up on poppy hill) của xưởng phim hoạt hình Ghibli. Đây là một phim mình xem đi xem lại nhiều lần để ngắm từng tia nắng từng cánh hoa, từng ngọn đồi hoa hồng anh lộng gió và để nghiền ngẫm nhiều lần nội dung tưởng chừng như quá chậm rãi, đơn điệu nhưng thực chất cực kì thú vị này. Bạn hãy thử tìm và xem nhé.
Ở Yêu Bếp, mình đã nhận được rất nhiều kinh nghiệm hữu ích, tinh thần tích cực, sự cởi mở, tình yêu thương của các YBer trao đi, không chỉ trong việc chia sẻ nhau món ăn ngon, việc nấu nướng.
Nên hôm nay, mình muốn chia sẻ với Yêu Bếp những điều thú vị mà mình góp nhặt, những hiểu biết trong lĩnh vực của mình về chủ đề “hoa Poppy” đang hot tại Yêu Bếp. Bởi mình không chỉ là “admin Yêu Bếp”. Mình vốn là một họa sĩ, nhà báo, người nghiên cứu ẩm thực và yêu thích tìm hiểu văn hóa.
Các bạn cũng vậy nhé, hãy mạnh dạn chia sẻ những điều hữu ích trong những lĩnh vực của bạn để chia sẻ với Yêu Bếp trong các chuyên mục chủ đề phù hợp nhé. Yêu Bếp có rất nhiều chuyên mục thú vị từ làm vườn, cắm hoa, thiết kế & trang trí nhà cửa, DIY, lifestyle… Hãy khám phá các chuyên mục này trên thanh “CHỦ ĐỀ” ngay đầu nhóm nha.
Thật vui khi “hot trend” hoa poppy từ chuyên mục “Yêu Bếp Có Hoa” khiến nhiều bạn biết đến hoa này hơn, được tận mắt tận tay ngắm và cắm hoa này tại nhà nhỉ.
Giờ thì cùng ngắm những đóa hoa poppy với bình hoa mộc mạc nhà mình nhé.
Xem tiếp: Đổ bánh xèo sao để giòn? Cách làm bánh xèo ở Nhật đơn giản
Bài viết được tổng hợp từ group YÊU BẾP✅ (Esheep Kitchen family)