Phía sau một người phụ nữ khởi nghiệp là biết bao sự cân nhắc, đánh đổi giữa: thời gian, gia đình, bản thân và cuộc sống. Khởi nghiệp không chỉ để kiếm tiền, mà trên hết đó là niềm say mê với công việc, khát khao được khẳng định định giá trị của bản thân. Vậy nên để có thể cân bằng giữa gia đình và ước mơ đó, cần rất nhiều sự nỗ lực. Và trên hết là sự kiên trì đến cùng, giữ cho ngọn lửa đam mê trong ta đừng tắt trước bão giông.
Mình sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi của tỉnh Bình Định. Rồi có khoảng 10 năm học tập và làm việc tại Nha Trang. Trong một dịp tình cờ đi phượt đến Phú Quý, mình đã được gặp Dượng Tony – người truyền cảm hứng cho biết bao bạn trẻ về ý tưởng khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Thế là sau bao trăn trở, mình quyết định về quê, bắt đầu khởi nghiệp với mảng chăn nuôi theo hướng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, sau đó bao nhiệt huyết đã bị thiêu rụi vì thất bại. Mình thua lỗ nặng nề vì giá heo rớt thảm hại. Bao nhiêu vốn luyến và công sức đổ ra tan thành mây khói. Tạm gác lại giấc mơ, mình lập gia đình, hi vọng an cư lạc nghiệp.
Cơ duyên khởi nghiệp. Cuộc sống mới của mình bắt đầu với vai trò bà Nội trợ, vừa quán xuyến nhà cửa, bếp núc, vừa chăm lo gia đình. Cậu nhóc đầu tiên của nhà mình phải sinh mổ vì vỡ ối sớm. Lúc đó mẹ mình có mua một ít mật ong rừng để dành trong nhà. Núi rừng quê mình được cái thiên nhiên ưu đãi. Cứ đến tháng 4 hàng năm, ong Khoái tự nhiên lại về làm mật. Người dân chỉ đợi đến mùa là lên rừng lấy về. Đa số nhà nào cũng dự trữ một ít để khi có việc cần dùng đến. Mình sinh mổ nên duy trì thói quen uống mật ong rừng và tinh nghệ mỗi sáng. Vết mổ nhanh lành, mà đường ruột cũng khỏe mạnh. Bên cạnh mình rất hạn chế dùng kháng sinh cho con. Mỗi khi bé bị đau mình thường làm các bài thuốc dân gian, kết hợp các loại cây lá trong vườn với mật ong rừng cho bé uống. Lúc thì hái tắc chưng đường phèn mật ong, khi thì mua hành tây về ngâm với mật. Trộm vía con rất thích uống nên cũng mau bình phục. Vì mật ong rừng chỉ sử dụng tốt nhất trong vòng 2 năm, mà lúc đó mẹ lại mua hơi nhiều, nên mình đăng bài trên Facebook gợi ý chia lại cho bạn bè. Không ngờ có rất nhiều bạn quan tâm và còn nhờ mua dùm khi mùa mật đến. Ý định kinh doanh online loé lên trong đầu.
Bạn đang xem Phía Sau Một Người Phụ Nữ Khởi Nghiệp
Nhưng rồi nằm ngoài dự kiến. Mình có bầu bé thứ hai một cách bất ngờ khi nhóc đầu mới 14 tháng. Mình stress thật sự. Chỉ nghĩ đến cái vòng lẩn quẩn: cơm nước, nhà cửa, chăm lo cho con cái, chăm sóc cho cha già, rồi cơm áo gạo tiền… khiến mình chán nản. Những đêm không ngủ được, mình trăn trở mãi: chẳng lẽ cuộc đời cứ thế trôi qua? Giấc mơ khởi nghiệp của một thời tuổi trẻ sẽ đi về đâu? Đợi con lớn, cuộc sống ổn định thì liệu có còn đủ nhiệt huyết để bắt đầu? Và rồi giữa lúc đang mang bầu bé thứ hai, mình quyết định khởi nghiệp một lần nữa. Vứt bỏ hết mọi rào cản trong suy nghĩ, mình lao ra khỏi vùng an toàn. Hoặc là lúc này, hoặc là không bao giờ.
Nâng tầm cho sản vật của quê hương. Mình nghĩ ngay đến thứ đặc sản của địa phương mà có lần anh em, bạn bè đã nhờ mua hộ: MẬT ONG RỪNG. Trước giờ, người dân ở đây chỉ khai thác rồi bán trong những chai nhựa tái chế thô sơ. Tại sao không định vị cho nó một thương hiệu? Nâng tầm giá trị của nó lên, để mọi người được biết đến mật ong rừng An Lão nhiều hơn. Vậy là mình bắt đầu với việc đăng ký kinh doanh quy mô hộ gia đình. Tiếp theo là tìm hiểu quy trình để đăng ký nhãn hiệu, làm việc với đội nhóm thiết kế, đem sản phẩm đi kiểm định, hoàn thiện quy trình chiết tách và lọc mật đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Lên kế hoạch marketing và bán hàng. Vân vân và mây mây, cả tỷ thứ phải học hỏi và hoàn thiện cho một đứa mới bắt đầu khởi nghiệp.
“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân chẳng thấm đau vì những mũi gai…”. Khoảng thời gian đầu đó thực sự là một thử thách to lớn đối với mình. Tận dụng hết tất cả quỹ thời gian khan hiếm để cân bằng giữa gia đình và công việc. Áp lực đến mức chỉ có thể gói gọn trong hai từ “nghẹt thở”. Một mình ôm hết việc nhà, từ bếp núc, nội trợ, nuôi con, chăm cha già, nay thêm việc kinh doanh: lập kế hoạch sản xuất, viết bài, quảng bá, bán hàng, chốt đơn, chăm sóc khách hàng… Nhiều đêm phải chờ con ngủ say, mình mới rón rén dậy làm việc đến 1, 2 giờ sáng. Chợt mắt một xíu, thì lại dậy sớm để bắt đầu một guồng quay mới. Cũng không hiểu mình lấy đâu ra năng lượng để làm việc nhiều đến thế. Càng làm lại càng say mê. Đứa con tinh thần của mình cứ thế theo thời gian mà hoàn thiện dần.
Rồi khó khăn bủa vây. Những đơn hàng gửi đi, cứ 10 đơn thì mất 3 đơn gặp vấn đề: mật trào gas, bung nắp, thậm chí vỡ chai trong lúc vận chuyển. Khách phải mất thêm thời gian chờ gửi lại hàng, còn mình thì phải bù đắp chi phí cho những đơn bị hỏng đó. Bởi mật ong rừng có đặc tính sinh khí gas rất mạnh, nhất là trong điều kiện nắng nóng, bị rung lắc do vận chuyển. Mình lại tìm đến những bậc đàn anh nhiều kinh nghiệm trong ngành mật ong để học hỏi. Để mật không sinh gas, có một cách là đem mật đi xử lý công nghiệp. Nhưng như thế thì tất cả hương vị nguyên bản của mật ong rừng sẽ biến mất. Chưa kể một số enzym có lợi sẽ bị phân hủy trong quá trình xử lý. Vậy là mình quyết định giữ mật nguyên bản, không gia nhiệt hay xử lý gì cả. Thay vào đó, mình chú trọng quy trình tinh lọc và gia cố cho khâu đóng gói. Phải nói tỷ lệ hàng gặp sự cố giảm đi rất nhiều. Tháo gỡ được một nút thắt quan trọng.
Những biến cố gia đình ập đến. Vốn đã tai biến, liệt một nửa người nhiều năm, cộng thêm tuổi già, ba chồng mình bị suy thận phải nhập viện. Thận suy làm ảnh hưởng đến tim và phổi. Ông bắt đầu yếu dần, phải cận kề chăm sóc. Chưa dừng lại ở đó, bé sau của mình mắc chứng rối loạn phát triển, gần 3 tuổi mà không biết nói. Hai vợ chồng bắt đầu căng thẳng. Chồng trách mình đam mê công việc, ít quan tâm đến con để dẫn đến tình trạng này. Đêm nằm trên tàu đưa con đi Đà Nẵng để hội chuẩn và chữa trị, mình bật khóc. Trái tim của một người mẹ cào xé, dằn vặt. Mình tự trách bản thân ghê gớm. Mọi công việc kinh doanh bị gác sang một bên. Tiến độ chậm như rùa, thậm chí giậm chân tại chỗ. Mọi thứ đều có sự đánh đổi của riêng nó. Mình đã cố gắng hết sức để vun đắp cho gia đình. Nhưng mình cũng yêu công việc, mình tìm thấy niềm vui và năng lượng trong hành trình khởi nghiệp này. Mình thật sự không muốn kết thúc ở đây.
Sự kiên trì đã gặt hái được những quả ngọt đầu tiên. Sau hơn 2 năm hình thành, mật ong rừng An Lão đã được biết đến như một trong những đặc sản của Bình Định. Sản phẩm của mình đã được khá nhiều khách hàng trong cả nước đón nhận và có những phản hồi rất tích cực. Mình có được hệ thống cộng tác viên và đại lý ở Quảng Nam, Quy Nhơn, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, sản phẩm đã có mặt trên kệ hàng của WEFARMER – SIÊU THỊ CỦA NÔNG DÂN, một trong những kênh nông sản, thực phẩm sạch được sản xuất bởi những người nông dân tận tâm và uy tín.
Xem tiếp Bạn Chỉ Thất Bại Khi Bạn Ngừng Cố Gắng
Bài viết được tổng hợp từ group YÊU BẾP✅ (Esheep Kitchen family)