Vào một ngày gần Giáng sinh năm 2017, mình khi ấy là một bà mẹ 25 tuổi mê lướt Instagram trong lúc con gái nhỏ 1 tuổi ngủ trưa, tình cờ rơi trúng vào ảnh của một bà mẹ trẻ khác cũng đang khoe ảnh con gái yêu đội chiếc mũ len tự làm. Mình bị thu hút ngay lập tức, vì từ trước giờ mình vẫn luôn muốn tự làm mấy thứ xinh xinh như thế cho con (tới mức mà mình đã bắt chồng vác chiếc máy may mini cũ cùng vài cân vải từ Việt Nam sang Pháp với hy vọng sau đó có em bé thì mình sẽ học được cách tự may váy áo điệu đà – nhưng sau đó thì không có sau đó nữa nên xin quay lại câu chuyện với những cuộn len của mình nha!). Từ khoá duy nhất mình nhận được lúc đó là “crochet” (móc len), nghe quá là lạ vì mình chỉ biết mỗi len là dùng để đan (knit), đến cả cái từ “móc” có vẻ cũng chả nên thơ dịu dàng như hình ảnh người mẹ ngồi đan áo nữa. Nhưng mà kệ, thấy người ta bảo dễ lắm cuốn lắm nên mình cũng lên mạng tìm kiếm xem crochet là gì, mua hẳn len, kim móc và sách về học, chật vật mãi rồi cũng móc được một chiếc mũ gắn tai mèo – chi chít lỗi – nhưng mà lúc ấy mình thấy xinh lắm, cứ đội cho con ngày này qua ngày khác, chụp cả trăm chục bức hình mang khoe bạn bè người thân và xin gia nhập hẳn vào một group đan móc len của mấy cô bác người Pháp. Có lẽ người Pháp (hoặc là tất cả những người Pháp mình biết) thường lịch sự và dễ thương, nên dù chiếc mũ đầu tiên của mình có vừa méo vừa lệch vừa thừa thiếu mũi móc linh tinh mỗi hàng, thì ai cũng khen là nó rất đáng yêu. Cả nhà mình nữa chứ, từ ông bà bố mẹ anh chị em đến chồng mình cũng bảo thế, nên là mình tin luôn. Tối tối lúc con ngủ mình say mê móc thêm vài cái mũ, cái khăn, cái túi nữa, rồi mình phát hiện ra ngoài móc mấy thứ như vậy thì mình còn có thể móc đồ chơi kiểu thú bông, búp bê v.v… Nhưng làm theo sách với hướng dẫn của người khác suốt mình không còn đủ kiên nhẫn nữa, mình muốn làm chỗ này kiểu này, chỗ kia kiểu khác, mình thấy chỗ này cần phải viết như này như nọ thì sẽ dễ hiểu hơn, mình muốn tự làm được những thứ mình tưởng tượng trong đầu, muốn chia sẻ những ý tưởng của mình tới nhiều người hơn nữa… với tất cả những yêu thích, ước muốn của bản thân và thêm sự cổ vũ từ người chồng bên cạnh thường xuyên nhắc nhở mình rằng “có đam mê, có ước mơ thì cuộc đời sẽ tươi đẹp và ý nghĩa hơn biết bao nhiêu”, thế là ‘sự nghiệp’ thiết kế búp bê thú len móc của mình bắt đầu!
Bạn đang xem cuốn sách dạy móc thú len bán chạy nhất nước pháp
Vì có con nhỏ chưa đi học nên công việc khi ấy của mình luôn bắt đầu vào lúc chiều muộn mỗi ngày lúc mà chồng đã đi làm về và thay phiên chăm con, sau đó làm thêm một vài giờ vào buổi tối. Bất cứ khi nào chơi đùa hay đọc sách cùng con mà nảy ra ý tưởng hay cảm hứng mới, mình sẽ tranh thủ ghi chép, ký hoạ thật nhanh vào cuốn sổ tay nhỏ, đợi con ngủ giấc ngắn ban ngày thì đọc thêm sách và hướng dẫn tiếng Pháp và tiếng Anh (bởi vì móc len cũng là một “lĩnh vực chuyên sâu” có những ký hiệu, định nghĩa riêng, không phải cứ biết tiếng là đọc sẽ hiểu, giống như khi mới chuyển sang làm quen với các thuật ngữ đan móc tiếng Việt thì mình cũng chẳng hiểu gì vậy). Cứ như vậy, mình đã bắt đầu một công việc mới – công việc mà khi một ngày kết thúc chỉ mong tới ngày hôm sau để được tiếp tục làm nó, công việc khiến mình không ngừng sáng tạo và khám phá, công việc ‘yêu cầu’ mình làm tất cả những thứ mình thích: mơ mộng, vẽ vời, móc len, thiết kế, ghi chép, viết lách, chụp ảnh, v.v…, công việc mà bất cứ khi nào phải làm việc – thì mình cũng đều cảm thấy như đang được thư giãn, bay nhảy và tự do!
Tháng 5 năm 2018, mình chính thức ra mắt mẫu móc len tự thiết kế đầu tiên – cũng hồi hộp đăng lên Ravelry, Etsy như mọi người :”> Các cô các bác trong nhóm đan móc tiếp tục cổ vũ, động viên mình nên viết thêm hướng dẫn tiếng Pháp (vì rằng ở đây chẳng mấy ai dùng tiếng Anh cả, không giống như phim gì gì đâu ý). Chiếc tài khoản instagram bé xíu chỉ toàn tranh vẽ chibi của mình bắt đầu được thay thế bằng những bạn thú len, số lượng người bình luận, theo dõi cứ thế tăng dần khi mình tiếp tục ra những mẫu mới. Mình ý thức được khi mình cứ là chính mình – làm những gì mình thích và không cố gắng để giống bất cứ một ai – thì đấy là lúc những tác phẩm do mình tạo ra đã mang dấu ấn riêng, thế nên mình càng cẩn thận và tỉ mỉ hơn trong từng thiết kế, và thật tuyệt khi điều đó được nhiều người đón nhận. Năm tháng sau, mình nhận được lời mời viết sách từ hai nhà xuất bản, một tiếng Anh và một tiếng Pháp. Bất ngờ, hồi hộp, vui sướng và một chút lo sợ, mình khi ấy cũng chưa hoàn toàn đủ tự tin và sẵn sàng để bắt đầu cho bước ngoặt mới, nhưng lúc đó mình cũng nghĩ “nếu không bây giờ thì là bao giờ”. Hai năm tiếp theo, mình lần lượt viết hai cuốn sách ở hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp, những cuốn sách liên tục được tái bản kể từ khi phát hành, và cho tới thời điểm này, mỗi cuốn cũng đã được dịch sang 6 ngôn ngữ mới. Không chỉ dừng lại ở việc viết sách, viết hướng dẫn đơn thuần, mình còn có thêm rất nhiều dự án hợp tác làm việc với các tạp chí, hãng len, công ty xoay quanh việc thiết kế thú len, có thêm những trải nghiệm đáng nhớ và gặp thêm nhiều người đáng quý.
Mình tự hào vì đã luôn giữ cái tên ‘Khuc Cay’ (có vẻ hơi trẻ con và ngây ngốc) nhưng lại rất Việt Nam của mình đi khắp nơi, gửi câu chuyện theo đuổi đam mê vào từng cuốn sách từng dự án chạm đến với nhiều người có chung đam mê và sở thích với mình trên toàn thế giới. Ước mơ của tuổi 25 ngày ấy cũng đã thực hiện được rồi, tuổi (sắp tròn) 30 này xin vẫn tiếp tục đam mê, tiếp tục xây những ước mơ to hơn và học thêm nhiều điều mới. Và có một thứ quan trọng hơn tất cả, là dù bây giờ những sản phẩm mình làm ra có phức tạp hay giá trị to lớn như thế nào đi nữa, thì trái tim mình vẫn reo vui niềm hạnh phúc y như lần đầu tiên khi làm được chiếc mũ nhỏ ngày xưa.
Xem tiếp: Ước mơ mang sản vật và văn hóa người mông đến miền xuôi
Bài viết được tổng hợp từ group YÊU BẾP✅ (Esheep Kitchen family)