Hoa hồng là loài hoa dễ gây mê hoặc nhất, có thể làm tan chảy bất cứ trái tim băng giá nào. Nó cũng là loại hoa mà chị em sẵn sàng chi không tiếc tay để đầu tư cây về chơi. Nhưng tôi thấy thực sự rất nhiều chị em bị mất tiền oan, thậm chí bị lừa, mà chính tôi cũng từng là nạn nhân khi mới tập chơi. Một cây hồng đâu có rẻ đâu, ít cũng vài trăm, một triệu, nhiều có khi cả mấy chục triệu.
Nói về chơi hồng thì có rất nhiều điều chia sẻ, có thể trong bài này khi viết mình không viết đủ, chị em nào cần hỏi thêm cứ comment mình sẽ trả lời nhiệt tình trong khả năng có thể. Mình tạm gộp thành những vấn đề cơ bản sau:
1. Chọn giống hoa.
* Giờ thị trường tràn ngập các giống hồng ngoại đủ màu sắc mùi hương mà nếu không chuyên chúng ta không thể nhớ hết được. Nhưng cá nhân mình không chơi hồng ngoại vì mình không muốn phụ thuộc vào thuốc và phân hoá học. Thuần hoá một loại cây đòi hỏi vài chục năm cây mới thực sự thuần thục. Những cây hồng ngoại ở nhà vườn một thời gian ngắn và hầu hết mới du nhập vào Việt Nam thời gian gần đây chưa thể quen với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu. Chị em cứ hình dung một ông Tây sang Việt Nam ngày ngày cho ra đường hít khói bụi, chịu khí hậu nóng ẩm, tới bữa ăn cơm rau muống cà dầm… chắc trụ được vài tháng là may. Sau đó là đau bụng, hắt hơi sổ mũi… Cây hồng cũng vậy. Nó có thể đẹp mỹ mãn khi ở nhà vườn vì nó được tắm thuốc và ăn thuốc kích thích, về vườn nhà mình chỉ đẹp được 1 vài tháng đầu rồi lụi dần. Vì chúng ta không thể lúc nào cũng quanh quẩn chăm sóc chúng hàng ngày và lúc nào cũng phun xịt được, rất hại sức khoẻ.
* Muốn chăm cây nhàn mà vẫn có hoa ngắm đều đặn, chị em hãy chọn HOA HỒNG CỔ. Đó là loại hoa đã thích nghi điều kiện khí hậu thổ nhưỡng. Nó là hoa thuần chủng hoặc đã được thuần hoá nhiều chục năm tại Việt Nam.
* Đặc điểm của hoa hồng cổ là cây khỏe, ít bệnh tật, sai hoa, hoa quanh năm, lặp hoa đều (cứ mỗi 40 ngày). Nó sống bền bỉ và tuổi thọ lên tới vài chục năm. Mùa đông hoa hồng cổ nở to, chuẩn form, đậm hương. Mùa hè cây vẫn sai hoa nhưng hoa thưa cánh và nhỏ hơn (nhưng độ rực rỡ không hề giảm).
Các loại hồng cổ phổ biến và dễ trồng:
– Hồng cổ sapa: hoa màu hồng đậm hoặc nhạt (tuỳ thời tiết và dinh dưỡng). Bông hoa mùa đông có thể to như cái bát ăn cơm. Cây 2 năm tuổi chăm tốt và đủ không gian có thể cao và tán rộng hơn 1 mét, nở hàng trăm bông một lúc.
– Hồng phấn (hồng đào): hoa phớt hồng. Nếu muốn có khu vườn nổi bật thì không thể bỏ qua cô bạn này. Cô này luôn nổi nhất vườn, chắc do màu sáng hồng hào. Đợt rộ hoa nở kín cây.
– Hồng bạch xếp (bạch cổ Nam Định): loại này hoa trắng, cánh mỏng và mềm xếp không thành form, sai hoa kín cây. Có cây bạch xếp nở rộ những hôm mưa phùn thì sự tinh khiết của nó làm gục hết mọi trái tim của người làm vườn.
– Hồng bạch ho: loại này mùa đông sai hoa hơn hè. Mỗi mầm lên là một chùm hoa có khi tới vài chục bông. Hoa trắng hơi ánh xanh, tinh khiết khôn nhường. Hoa này trồng sạch có thể làm như các cụ ngày xưa, ngắt vào ngâm mật ong, người bị ho uống vào giảm ho rất nhiều. Chị em nên có 1 cây.
– Hồng cổ Huế: thơm đậm, sai hoa và lên cực khỏe.
– Hồng Vân Khôi (hay Văn Khôi, hay Cung Phủ). Hồng ngày là hoa mà thường được đính kèm cái lá măng cho chú rể cài ngực ngày xưa ở đám cưới đó chị em. Mùi thơm của hoa không thể cưỡng nổi. Hoa phớt hồng, form đẹp mê, có nở đơn nhánh và cả thành chùm. Có điều hoa này khá đỏng đảnh, hay chết đen thân vào mùa mưa.
– Hồng quế: loại này có nhiều loại như quế đơn hồng và đỏ, quế kép hồng và đỏ. Cây sai hoa và khỏe như cô gái đôi mươi má thắm môi hồng gánh lúa thôn quê. Chẳng bênh tật gì mấy khi.
– Hồng nhung cổ: đây là loại mình mê đắm nhất, đẹp cả sắc và hương. Mùi hương nó là mùi của cả tuổi thơ, nồng nàn, mê đắm. Ngày xưa hầu như nhà ai cũng có một bụi cạnh sân hay bên bể nước. Loại này khá khó chăm và hay bị cỗi cây. Nhưng vẫn đơn giản hơn hồng ngoại.
– Hồng cổ Hải Phòng và cổ Sơn La: hoa hơi giống nhau nếu không trong nghề khó phân biệt. Hai loại này cơ bản hoa đỏ, bông to, cây leo, mùa hè sai hoa hơn mùa đông.
– Hồng phớt hồng Đà Lạt hay bạch Đà Lạt. Đây là hồng leo, hoa chùm và khá khỏe cây.
Đi chọn hoa các chị em cứ gọi tên mấy loại trên nếu muốn trồng hồng cổ.
Bạn đang xem: Kinh nghiệm trồng vườn hoa hồng đúng cách tại nhà
2. Chọn cây hoa
Chọn giống quan trọng nhưng chọn cây hoa quan trọng không kém. Dù là hồng cổ hay hồng ngoại nếu chọn sai cây cũng đều dễ thất bại.
Cây tốt nhất là cây chiết rồi trồng. Cây tốt thứ nhì là cây giâm cành và mình gần như không chơi cây ghép. Cây ghép không phải luôn không tốt. Giới chơi hồng trên thế giới có người sở hữu cây hồng ghép vài chục năm tuổi. Nhưng đó là nhờ kĩ thuật ghép tốt. Còn ở nhiều nhà vườn hiện nay họ chạy theo số lượng nên ghép ẩu, mầm ghép không nhận đủ chất dinh dưỡng nên cây yếu nhanh và cỗi nhanh.
Vài lưu ý chọn cây hồng:
– không chọn cây ghép, đặc biệt dáng tree rose thì luôn càng cần lưu ý. Hiện đa số hồng ngoại ghép được ghép vào mắt cây tầm xuân, một thời gian tầm xuân bật chồi, phải cắt đi. Nhiều mẹ ngỡ ngàng cây hồng mua về tự nhiên có mầm mập và vươn cao nhưng mãi không thấy hoa. Tiếc rẻ không nỡ cắt mà ko biết đó là mầm tầm xuân, ko cắt sẽ át hết mầm ghép, hỏng cây hồng. Với những cây dáng tree thì chủ yếu ghép vào thân cây hồng nhung cổ, mắt ghép mà yếu cây hỏng nhanh.
– Với những cây to đắt tiền vài chục triệu: không nên ham cây gốc to gốc khủng. Hầu hết chúng ta chơi hồng là ngắm hoa chứ không phải mua cây bonsai nên đừng ham cái gốc quá. Gốc đã cằn, mục ruỗng, rong rêu thì đừng mua. Cây về có thể vẫn cho hoa nhưng nếu tính tới chục năm thì khó. Nếu mua thì chọn gốc nào còn căng tràn sức sống, thân tươi từ gốc, không quá xù xì, tuổi thọ cây sẽ cao và khỏe.
– Chú ý là hồng “khủng” giờ ghép rất nhiều luôn. Mua cây vài chục triệu về bỗng nhiên thấy nở ra bông khác loại rất phổ biến. Các mẹ tin không, tới cây hoa Ngọc lan giờ còn bị ghép đó. Tuy nhiên các chị em yên tâm là trừ Vân Khôi và cổ Sapa ra ít hồng cổ bị ghép mắt lắm. Và chơi hoa bao năm giờ mình vẫn ko hiểu sao người ta cần ghép cây cổ sapa, một cây vốn lên khỏe vô đối.
– Hồng cổ cây nhỏ chỉ một vài trăm ngàn, chăm tốt sau một năm hầu hết cao lên cả mét. Rất tiết kiệm không cần mua cây to. Chứng kiến cái cây nó lớn lên cũng thú vị lắm.
3. Mua đất trồng cây
Nếu các mẹ sở hữu mảnh vườn thì lý tưởng quá rồi. Nhưng nếu trồng chậu mình khuyên không nên mua giá thể trộn sẵn. Nhiều người nhắn cho mình hỏi sao cây chết. Nhìn cái chậu đất đen sì, cây thối đen mà xót. Giá thể rất nhiều loại “dởm” làm từ rác thải công nghiệp và đó là nguyên nhân. Các mẹ hãy mua đất phù sa nguyên chưa trộn, rồi mua phân chuồng đã ủ hoai, xơ đưa hoặc chấu hun về tự trộn theo tỉ lệ. Công thức đầy trên mạng nhưng cơ bản có thể phiên phiến vì phân đã ủ hoai ko làm chết cây, ko cần quá căn ke tỉ lệ. Mình hay trộn 5 đất, 3 trấu hun và 2 phân. Đáy kê thêm viên sỉ than đập vụn cho thoát nước.
Phân tốt nhất cho hồng là phân gà và phân dê. Mùa hè tránh dùng phân gà vì nó nóng. Ngoài ra phân trâu bò, phân giun đều phù hợp. Cây hồng cổ đủ phân chuồng (1-2 tháng bón gốc 1 lần) không cần cầu kì mua thêm thứ này thứ kia.
4. Tưới nước
Hồng ưa nước nhưng không chịu được úng nên cây trồng phải tưới đều và thoát nước tốt. Khi tưới thì phải để bề mặt đất se se hãy tới lần tưới tiếp theo, tránh thối rễ. Trồng chậu tưới vừa đủ, đừng để nước lênh láng chui cả qua lỗ chậu vì như vậy đất rất nhanh bị rửa trôi mất dinh dưỡng.
5. Chăm cây bệnh.
Mọi người có thể search các loại bênh chính của hồng rất nhiều trên mạng, mình không nhắc lại tránh post quá dài. Mình chỉ có và nguyên tắc và chia sẻ nhỏ kiểm soát sâu bệnh:
– Hoa hồng là một phần của tự nhiên nên nó không thể nằm ngoài quy luật của tự nhiên: có sinh có bệnh và có tử. Tới mùa cây bệnh, có phun có xịt cây bệnh vẫn bệnh trừ khi phun hàng ngày hoá chất. Có chị em nào chơi hoa nỡ làm vậy không? Chắc là không rồi. Vậy thì chỉ có cách chúng ta hãy kiên nhẫn cùng hoa. Giống như chăm đứa trẻ, hãy cho cây được quyền “ốm”. Mùa nhãn vải ra hoa, mùa lúa trổ đòng là mùa bọ trĩ. Mùa bắt đầu vào hè là mùa của sâu đo, rệp các loại. Mùa Xuân ẩm ướt làm mùa phấn trắng tấn công …
Các chị em tin mình nhé, trừ hai loại là nấm đen thân và rệp sáp, không có một bệnh nào làm cây bị chết. Hết mùa cây tự hết bệnh. Nếu cây bắt đầu đen thân thì đen tới đâu cắt sâu tới đó rồi vôi vào chỗ cắt. Cây bị rệp sáp lấy dao gạy nhẹ rồi lau sạch là hết. Kiên nhẫn và “lì lợm” rất cần khi chơi hồng. Đừng cuống và nghe theo người này người kia phun thuốc.
– Tạo khi vườn đa dạng: Các chị em thấy không có khu rừng nào bị bệnh dịch tấn công đúng không. Vì ở đó có sự cân bằng sinh thái tuyệt vời. Vậy thì muốn không sâu bệnh các chị em hãy tạo khu vườn mình tiệm cận như thế, tức là đa dạng giống loài. Cây dâm bụt có tác dụng thu hút rệp, cây hương nhu đuổi côn trùng… Khu vườn nhỏ hay to cũng không nên trồng toàn hồng là hồng. Vì hồng nở hoa theo đợt, giữa các đợt cây không đẹp, lại dễ sâu bệnh. Nên thay vì trồng hàng loạt, hãy chơi 1 vài cây thật chất, xen vào các loại hoa lá khác để vườn lúc nào cũng rực rỡ và đỡ sâu bệnh.
6. Một vài cách bảo vệ cây bằng nguyên liệu an toàn với một số sâu bệnh:
Khi mới bị bọn trĩ, lá cây hồng chưa bị ảnh hưởng, mới chỉ có hoa bị ảnh hưởng. Nhìn vào bông hoa sẽ khó phát hiện cây bị bọ trĩ cho đến khi vạch lõi nhuỵ của bông hoa ra. Ta sẽ thấy những con màu đen nhỏ li ti, có hình thon nhỏ đuôi nhọn, đó chính là bọ trĩ.
Khi cây bị nặng lá sẽ quăn, thâm và biến dạng, cây ko có nụ và hoa.
Hãy trị bằng thuốc Lào ngâm rượu. 1 Lạng thuốc lào ngâm vào 1 lít rượu. Ngâm càng lâu càng tốt, gấp có thể ngâm qua đêm là dùng.
Với việc chơi hoa quy mô nhỏ ở gia đình, có mấy cách sau:
– Cắt hết những bông đang nở và hé nở có bọ trĩ bên trong, nhốt vào túi bóng và tiêu hủy tránh bọ trĩ quay lại. Sau đó pha tỉ lệ 50% dung dịch thuốc lào và 50% nước. Phun xua đuổi hàng ngày liên tục trong vòng 1 tuần.
– Nếu tiếc những bông hoa đang nở, cầm bình xịt xịt dung dịch nguyên chất 100% vào lõi bông hoa, xịt đẫm càng sâu càng tốt. Bọ trĩ sẽ bò ra và chết. Sau đó pha loãng 50% dung dịch và 50% nước phun xưa đuổi liên tục 1 tuần như trên.
Ngoài ra có thể dùng:
– Tro bếp ngâm nước vôi trong lấy nước phun
– Rượu tỏi ớt ngâm rượu
– Lá xoan ngâm hoặc lá neem ngâm.
– Quả bồ hòn (phun sâu các loại rất hiệu nghiệm)
MẤU CHỐT trong cách trị dù bằng dung dịch nào là phải xịt thẳng vào lõi bông hoa hoặc cắt bỏ rồi mới xịt toàn cây. Nếu chỉ xịt toàn cây dung dịch sẽ ko phát huy tác dụng với con bọ trĩ vốn trốn RẤT SÂU trong lõi nhuỵ bông hoa.
Có hiệu quả thật không? Hãy tưởng tượng 1 điếu thuốc lào có thể làm 1 người 80kg không quen hút ngã từ ghế xuống đất. 1 chén rượu có thể làm người không quen uống say khướt. Trĩ là cái đinh gỉ gì:)))
Thuốc lào này có thể dùng diệt nhện đỏ, phấn trắng trên hồng. Phun hai lần phấn trắng chuyển màu đen dần, làm 1 tuần hết hẳn. Nhện đỏ nhớ phun mặt dưới của lá.
Good luck và chúc chị em có vườn hồng như ý!
Xem tiếp: Lắp đặt chậu rửa hợp phong thủy ở phòng bếp trong gia đình
Bài viết được tổng hợp từ group YÊU BẾP✅ (Esheep Kitchen family)