Nhà mình có bạn gái Mĩm 14 tuổi và Cừu 10 tuổi. Con nuôi mình, vì mình mới 25 tuổi thôi.
Ngày bé, nhà có 2 phòng riêng nhưng mình thống nhất để các bạn ở chung phòng. Vì tuổi còn nhỏ, cùng là con gái, ở cùng sẽ đỡ “sợ”, lại là thời gian để học cách “sống chung” với nhau.
Mình để một phòng là phòng ngủ chung có giường tầng. Một phòng mình để là phòng học chung, bàn học cạnh nhau, có giá sách siêu to khổng lồ vì bạn nào cũng thíhc đọc truyện, và có một căn bếp riêng, lò nướng riêng, dụng cụ làm bếp riêng để mình hướng dẫn các bạn “chơi đồ hàng” cho an toàn, không chung với bếp nấu hàng ngày của gia đình.
Bạn đang xem: Cách sắp xếp, trang trí không gian phòng riêng ngăn nắp đơn giản cực kì
Giờ các bạn lớn hơn, lại chuyển về nhà mới, mình cho các bạn sinh hoạt độc lập.
**Một vài kinh nghiệm về việc sắp xếp, trang trí phòng cho các bạn gái tuổi teen như sau:**
* *Tôn trọng cá tính, sở thích, mong muốn của các bạn nhất có thể. Bằng cách lắng nghe mơ ước của các bạn về một căn phòng “trong mơ” là gì. Phòng của con gái không nhất thiết phải là màu hồng. Hãy để con tự do bộc lộ cá tính qua màu sắc.*
* *Chia sẻ thực tế tài chính và ngân sách mà bố mẹ có thể đáp ứng được. Có những thứ con rất thích nhưng nếu bố mẹ chưa thể đáp ứng, hãy cùng nhau tìm giải pháp thay thế, phù hợp với gia đình. Không nhất thiết bố mẹ phải dùng hết sức lực, tài chính để đáp ứng mọi nhu cầu của con. *
* *Hướng dẫn tính công năng trong một không gian sinh hoạt riêng, hướng dẫn các bạn xác định những đồ dạc, vật dụng nào là “thiết yếu” là những thứ bắt buộc phải có, và cách sắp xếp nó thế nào:*
**- Chỗ ngủ:** Cho chọn nằm đất hay đệm hay giường tầng, vì sao, ưu nhược điểm là gì.
**- Bàn học: **Nên ở chỗ sáng nhất phòng, cạnh cửa sổ, chiều cao bàn phù hợp với lứa tuổi. Ghế ngồi học nên là ghế có bánh xe, có chỗ dựa lưng, có thể thay đổi chiều cao cho phù hợp v.v..
**- Tủ quần áo:** Luôn có móc treo và giải pháp phân loại quần áo thì mới gọn được (mình sẽ chia sẻ kỹ trong từng ảnh)
**- Giá sách: L**uôn cạnh bàn học, chia kích thước từng ngăn khác nhau để để được các cỡ sách truyện khác nhau.
**- Tủ, ngăn kéo, khu để đồ chơi: **Linh hoạt theo diện tích phòng.
**- Kho:** Nhà mình chia luôn kho theo từng phòng. Phòng ai có kho nhỏ của người ấy, thay vì phải dành 1 phòng làm nhà kho riêng. Kho nhà mình chính là phần chạm trần của tủ áo, là ngăn kéo giường, các ngăn kéo dưới chỗ ngồi v.v..
**- Góc mơ mộng: **Đây là không gian sáng tạo của mỗi người, khiến người ấy cảm thấy được bộc lộ cá tính, được có góc để nội tâm phát triển. Nếu có không gian này, tính cách sẽ phát triển tốt hơn, trẻ tự tin hơn vì được khám phá nội tâm, được có thứ là “của riêng mình”, để thả hồn và phát triển cảm xúc tốt hơn. Mình cũng có không gian mơ mộng, là góc nhỏ trong phòng ngủ, là bồn tắm riêng. Chồng mình cũng có không gian này, là góc ngồi cà phê, góc đánh đàn và nghịch ngợm bộ sưu tập giày, sưu tập kính của anh ý.
Còn với Mĩm Cừu, đó chính là góc sofa đọc sách cạnh cửa sổ, hay là góc “thần tượng” trong mỗi phòng v.v..
**- Sự gắn bó: **Kỉ niệm đẹp, những thứ thân thuộc là những thứ nuôi dưỡng tâm hồn. Mình gợi ý cho hai con luôn trân quý những món đồ gắn bó với những chuyến đi, với cuộc sống của các con, những quà tặng bạn bè hay bố mẹ tặng, và đặc biệt là thần tượng của các con. Bởi đó cũng là kinh nghiệm của mình: Ngày bé mình có rất nhiều đồ chơi gắn bó, nhiều kỉ niệm đẹp, nên mình lớn lên với tâm thế của một đứa trẻ no đủ về tinh thần, tính tình mình vì thế không nhiều ganh đua, bọn chen hay hay ghen tị, cũng ít khi hẹp hòi. Vì mình luôn tin rằng mình là người “giàu có” trong tinh thần, mình không cần hẹp hòi với ai cả, mình có thể bỏ qua mọi bực bội, vì mình có nhiều thứ để gắn bó, chăm chút, không phải ganh tị với ai hết.
-** Tính khoa học trong sắp xếp:** Hướng dẫn và làm gương cho con trong việc phân loại, sắp xếp để luôn giữ không gian sống gọn gàng, sạch sẽ. Rèn tính kỉ luật và trách nhiệm. Muốn như vậy, luôn nhớ loại bỏ, tối giản, tiết kiệm.
**- Tính thống nhất trong thiết kế và phong cách của không gian:** Hướng dẫn trẻ chọn tone màu yêu thích, giới thiệu các chất liệu mà gia đình sẽ sử dụng cho con như gỗ gì, màu gì, vì sao lại chọn như vậy. Từ đó trẻ chủ động và tự tin hiểu rõ bản thân qua không gian sống. Cùng chất liệu, nhưng phòng Mĩm nhà mình theo phong cách Bắc Âu. Phòng Cừu, là em út, nhỏ hơn, cần tận dụng diện tích nhất có thể, nên theo phong cách Nhật, với giường liền tường và tủ áo, tủ áo cửa kéo ngang kiểu Nhật.
Việc hướng dẫn trẻ tuổi teen chủ động trong thiết kế không gian sống riêng, là một trải nghiệm cực kì cực kì thú vị. Mình chia sẻ với các con kế hoạch về nhà mới từ sớm, đề nghị các con trích một phần tiền tiết kiệm từ nhỏ để “xoay sở” mua đồ cho phòng mới, cho đi chọn đồ nội thất, tự lên kế hoạch mua đồ, vì vậy, chúng nó cảm thấy bản thân “đã lớn”, được tôn trọng, và được làm theo ý mình.
Đồ của phòng trẻ nhỏ, mình không quá cầu kì đắt tiền, đều dùng đồ thiết kế có sẵn, để các con dễ chọn, dễ tưởng tượng, nhưng mình đều chọn đồ an toàn, đảm bảo, không chọn cách góp nhặt mỗi nơi một tý vì mình muốn thống nhất tổng thể.
Đồ gỗ lớn như gường, tủ thì đóng chung bởi đội thi công cả nhà.
Đồ nội thất nhỏ như kệ tủ, ghế bàn học, các đồ trang trí mình mua của JYSK Việt Nam
(Mình bổ sung link vì nhiều bạn hỏi quá. Các bạn tự tìm web của JYSK và tự tìm địa chỉ gần nhất, hoặc có thể đặt mua online nhé, mình cũng mua online rất đơn giản thôi ạ).
Đơn giản cực kì, không cầu kì gì hết. Nhưng các con rất thích, và cảm thấy có trách nhiệm với không gian ấy. Từ hồi về nhà mới, chăm lau chăm dọn cực kì =))
Chi tiết hơn, mình sẽ chia sẻ trong từng ảnh nhé. Mình đang viết dần từng ảnh ạ. Hi vọng hữu ích với các bạn <3
Xem tiếp: Chế biến món canh riêu hàu đơn giản thành công từ lần đầu
Bài viết được tổng hợp từ group YÊU BẾP✅ (Esheep Kitchen family)