Mình có 3 bạn nhỏ, hiện tại bạn lớn nhất 9 tuổi, bạn thứ 2 là 7 tuổi, bạn út 5 tuổi. Là 1 người mẹ, mình không đặt nhiều kì vọng vào việc học hay thành tích của các con. Điều mình mong muốn nhất là các con sẽ là những đứa bé hạnh phúc, được hưởng trọn vẹn niềm vui trẻ thơ. Các con được trải nghiệm và học tập những kĩ năng sống để có thể tự lập trong cuộc sống hàng ngày.
Mình đã và vẫn đang tiếp tục trong hành trình rèn luyện cùng con. Mình biết rằng mỗi đứa trẻ sẽ có những tính cách khác nhau. Mỗi gia đình cũng sẽ có những hoàn cảnh, cách sinh hoạt khác nhau. Nên bài viết này mình xin chia sẻ về cách tập cho con làm quen với việc nhà. Hi vọng mọi người đón nhận và tham khảo, có thể tìm ra cách phù hợp để rèn luyện những bạn nhỏ của mình nhé!
Bạn đang xem: Làm thế nào để rèn luyện con biết làm việc nhà
1. “Mẹ con mình cùng chơi trò chơi nhé!”
Khi mình mới tập cho con làm quen với việc nhà là lúc con khoảng 3 tuổi. Ở lứa tuổi ấy con đang tò mò và hào hứng tìm hiểu cái mới. Mình cho con tiếp cận những việc đơn giản như: bóc hành tỏi, thu dọn đồ chơi, tập gấp quần áo,… Mình không đặt nặng vấn đề là “việc”, mà coi như 1 trò chơi mới để con hứng thú hơn. Tâm lí của 1 đứa trẻ thì “chơi trò chơi” bao giờ cũng hấp dẫn hơn rất nhiều.
2. “Con giúp mẹ được không?”
Khi con không hợp tác, không muốn làm 1 việc gì ấy. Thay vì nói: “Con phải làm!” thì mình nhẹ nhàng nhờ con giúp. Bọn nhỏ nhà mình rất nhiệt tình khi nghe mẹ nhờ vả. Vì đôi khi nụ cười hài lòng của mẹ cũng khiến chúng hãnh diện và tự hào lắm.
3. “Chúng ta nên làm hàng ngày!”
Việc rèn luyện không phải là 1 sớm hay 1 chiều mà là cả 1 quá trình dài. Nó phải được thực hiện thường xuyên để tạo thành thói quen hàng ngày. Mình luôn ở bên nhắc nhở, quan sát các con làm mọi việc. Khi cần giúp đỡ thì mẹ sẽ chỉ bảo kịp thời. Còn khi con đã quen việc thì mình để con tự làm và sẽ nghiệm thu kết quả.
4. “Ai cũng có nhiệm vụ của riêng mình!”
Khi bọn nhỏ đã lớn hơn và có nhận thức về mọi việc thì mình cũng bắt đầu thay đổi cách thức rèn luyện cho con. Mình phân tích cho các con về trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình. Mỗi người sẽ có công việc và nhiệm vụ riêng. Khi các con lớn và biết làm việc tốt hơn thì công việc không còn là “trò chơi”, con không còn “giúp mẹ” mà đó là trách nhiệm của bản thân con. Mình phân chia công việc phù hợp theo sức của các con. Nếu cần hỗ trợ thì con có thể nhờ anh em cùng giúp. Mình cũng hay tổ chức thi đua xem ai làm việc nhanh? Ai hoàn thành công việc tốt?
Ngoài ra mình cũng có 1 số lưu ý trong quá trình rèn luyện con:
– Không hứa hẹn, trao thưởng khi con làm việc nhà. Một đứa trẻ làm việc với tâm lí: làm để được thưởng tiền, làm để được chơi máy tính,… thì việc làm ấy đã đi ngược lại với mục đích rèn luyện con.
– Nghiêm túc phê bình và nhắc nhở khi con không hoàn thành công việc của mình. Thái độ đánh giá của bố mẹ cũng ảnh hưởng đến ý thức tự giác và nâng cao trách nhiệm của con hơn.
– Kiên nhẫn với con! Mình nghĩ đây là điều rất quan trọng, bởi việc dạy dỗ 1 đứa trẻ cần rất nhiều thời gian và tâm huyết của cha mẹ. Chúng ta luôn phải sát cánh bên con, theo dõi và lắng nghe xem con cần gì? Làm như thế nào để tốt hơn? Con cần giúp đỡ không?
Ngoài ra chúng ta cũng không nên vội vàng đòi hỏi con phải biết làm mọi việc ngay, làm được theo ý mình. Bởi vì chúng vẫn còn là những đứa trẻ. Có thể hôm nay chúng lau cái bàn chưa sạch! Gấp quần áo chưa gọn! Nhưng không sao cả, mẹ hãy cứ kiên nhẫn cùng con tập luyện nhiều hơn nhé. Mẹ hãy vui và khích lệ con nhiều hơn để con có động lực cố gắng nha!
Xem tiếp: Bánh kem phô mai kết hợp với hương vị bắp ngọt ngào thơm mát tan chảy ngay cái nhìn đầu tiên
Bài viết được tổng hợp từ group YÊU BẾP✅ (Esheep Kitchen family)