Xin chào mọi người!
Lại là tụi mình đây, hộ nông dân bền vững Ấp Bằng Lăng. Cả năm qua, sau những giờ đồng áng vườn tược ở nhà, mình có cơ hội qua hàng xóm xung quanh chơi để biết được nhiều mô hình nuôi trồng khác nhau. Bản thân mình cũng đã tự nuôi ấp vài lứa gà, với mấy chục chú mỗi lứa. Gà có nhiều loại, do nhu cầu của con người mà chúng ta tạo ra gà thịt, gà đẻ, gà chọi hay gà cảnh… Tết cũng đã đến gần nên mình chỉ xin chia sẻ một ít kinh nghiệm ít ỏi về lựa chọn gà thịt, cụ thể là gà ta, thứ gần như không thể thiếu trong mâm cơm cúng gia tiên của người Việt Nam.
Bạn đang xem Chọn Gà như thế nào cho ngon, kinh nghiệm chọn và luộc gà ngày Tết
Khác với tưởng tượng của mọi người, con gà ta bây giờ phần lớn được nuôi quy mô công nghiệp vì người chăn nuôi nhận ra nếu theo cách này gà sẽ nhanh lớn hơn và giá bán cũng cao hơn so với các giống gà công nghiệp thế hệ cũ. Mọi người dễ dàng bắt gặp chúng ở siêu thị và chợ với tên gọi “gà thả vườn”, giá dao động từ một trăm đến một trăm năm mươi ngàn tùy thời điểm. Thực tế, “vườn” ở đây chỉ là một khoảnh đất vài trăm m² được vây lại bằng lưới, ở đó vài ngàn con gà phải chen chúc nhau sống cả phần đời của chúng. Bọn nó chỉ ăn và nằm vì không có không gian di chuyển trong vòng 100 ngày kể từ lúc nở ra đến trước khi bị đưa đi giết mổ (khác với gà chăn thả tự nhiên là 7 tháng). Điều đặc biệt là gà nuôi thế này hầu như sẽ không bị bệnh do khẩu phần ăn là cám tổng hợp trộn lẫn hàm lượng kháng sinh liều cao. Thịt loại này thường bở, lòng bàn chân đôi khi có dấu hiệu loét do đi đứng lâu trên nền xi măng, mào tái nhợt, rũ sang một bên, mỏ bị cắt ngắn để trong quá trình nuôi không cắn mổ lẫn nhau. Ngày xưa lúc mình đi học đại học, các thầy trong khoa chăn nuôi từng kể có những cơ sở chăn nuôi để da vàng đẹp, họ trộn thêm chất nhuộm công nghiệp dùng trong dệt may vào thức ăn cho gà như Sudan II Sudan III.
Gà nuôi chăn thả tự nhiên thường có kích thước không đồng đều và chỉ dao động từ 1kg3 đến 1kg7 đối với gà mái, 2kg đối với gà trống. Mào tích đỏ tươi, mắt mũi linh hoạt, chân nhỏ, da săn chắc màu ngả vàng nhạt chứ không trắng bệch như lũ bị nuôi nhốt. Gà ta da mỡ vàng ươm là vì được ăn bắp ngô có hàm lượng beta carotene cao, đó cũng là lý do lòng đỏ gà ta thường đậm màu hơn gà công nghiệp.
Sau khi đã chọn được một con gà ngon rồi, chúng ta bắt đầu chuyển qua phần chế biến.
Để gà không bị hôi mùi lông sau khi luộc, mình rửa kỹ lại gà kể cả ngoài hàng đã làm thịt sạch sẽ, dùng vài muỗng muối hạt xoa nhẹ nhàng lên thân từ trên xuống dưới không nên chà xát quá mạnh sẽ khiến lớp da bị rách đến lúc luộc sẽ không còn đẹp nữa. Cho gà nghỉ khoảng 5 phút rồi xả lại bằng nước lạnh, ngoài tác dụng khiến cho gà sạch hơn thì một phần muối sẽ thấm vào giúp da sau khi luộc sẽ trở nên giòn hơn, sau đó để gà trên rổ ráo nước rồi cho vào nồi đổ ngập nước.
Nồi nước luộc mình cho thêm vài củ hành khô hay nửa củ hành tây, vài thìa nước mắm, một ít muối để thịt gà đậm đà hơn. Sau khi đun sôi ở lửa to được khoảng 10′, hạ lửa thật nhỏ, đậy nắp nồi lại rồi thêm 5′ thì tắt hẳn. Vớt gà ra, cho ngay vào 1 thau nước đá đã chuẩn bị sẵn, gà gặp lạnh co lại, da dai giòn, thịt săn mà không bị nứt thiếu thẩm mỹ. Vậy là đã xong món gà luộc.
Ở thành phố, thường cuối năm vào dịp Tết, mọi người sẽ cẩn thận chăm chút hơn trong khâu chọn mua gà, vì ai cũng mong muốn có một “vài” chú gà thật ngon cúng Tất Niên và quây quần ăn cơm những ngày đầu năm mới. Đôi khi để đảm bảo phải đặt gà tận dưới quê gửi lên, nhưng mình hy vọng nếu phải ra chợ mua gà về làm mâm cúng ông bà tổ tiên thì đôi chút kinh nghiệm trên đây sẽ giúp mọi người tránh mua phải gà ta phake, thành ra gà lại mang tiếng “kẻ thù” bữa ăn ngày Tết :))
Xem tiếp: Củ cải ngâm đậm đà, giòn rụm, thơm ngon!
Các bài viết được lấy từ YÊU BẾP✅ (Esheep Kitchen family)